J.R.R.Tolkien Legendarium Wiki
Advertisement
Gandalf Pass the Doors of Dol Guldur

Gandalf tiến vào Dol Guldur

   Gandalf là một pháp sư (Istari) được các Valar gửi tới Middle-earth trong Kỷ thứ Ba. Ông đã đi cùng Người Lùn Thorin và hội đồng hành trong sứ mệnh chiếm lại vương quốc Erebor từ rồng Smaug. Ông cũng góp công lớn trong Hội Bằng hữu của chiếc Nhẫn để tiêu hủy chiếc Nhẫn Quyền Lực của Sauron. Khi ở dưới hình hài Gandalf Xám, ông được miêu tả như sau:

   Ông đội một chiếc mũ xám chóp nhọn, mặc áo choàng xám dài, và quấn khăn màu bạc. Ông có một chòm râu dài trắng xóa và cặp lông mày rậm rạp thò ra dưới vành mũ.

- Trích ‘Hội Bằng hữu của chiếc Nhẫn’, chương ‘Bữa tiệc được mong đợi từ lâu’

TIỂU SỬ[]

Nguồn gốc

    Gandalf nguyên là một Maiar với tên gọi Olórin. Ông được coi như người thông thái nhất trong số các Maiar. Khi còn ở thiên quốc Valinor, ông thường sống trong những khu vườn của thần Irmo (Lórien). Ông là học trò của thần Nienna, người đã truyền cho ông học thức và lòng trắc ẩn. Khi các Valar quyết định gửi hội Pháp sư tới Middle-earth để tư vấn và tương trợ cho những Giống người Tự do chống lại Chúa tể Hắc ám Sauron, thần Manwë và thần Varda đã chọn Gandalf là một trong số năm sứ giả được gửi đi: Olórin, Curumo, Aiwendil, Pallando, và Alatar, vào năm 1000 của Kỷ thứ Ba.

    Một truyền thuyết kể rằng thần Yavanna đã trao viên Đá Elf của Eärendil cho Gandalf, để ông mang tới cho người dân của Middle-earth, ngụ ý rằng các Valar không bỏ rơi họ. Ông đã đưa viên đá cho Công nương Galadriel, và tiên đoán rằng Công nương sẽ đưa lại cho một người sau này mang tên Elessar (chính là Aragorn).

    Khi tới Middle-earth, Gandalf nhận chiếc nhẫn lửa Narya từ tay Cirdan Người Đóng tàu, đó là một trong ba chiếc nhẫn Elf (Tiên). Ông đã ẩn danh trong nhiều thế kỉ, sống giữa các Elf, học từ họ và dạy lại họ. Sau đó, ông tiết lộ thân phận của mình và gia nhập Hội đồng Trắng, mà Công nương Galadriel tiến cử ông làm thủ lĩnh, nhưng ông đã từ chối vị trí này vì muốn giữ sự độc lập. Pháp sư Saruman (Curumo) trở thành lãnh đạo của Hội đồng.

 Hành trình tới Erebor

    Năm 2850 Kỷ thứ Ba, Gandalf gặp vua Người Lùn Thráin II, cha của Thorin Khiên Sồi, trong hầm ngục của Dol Guldur, sào huyệt của tên phù thủy Necromancer. Thráin đã đưa cho ông bản đồ và chìa khóa để vào Erebor. Gandalf cũng phát hiện ra Necromancer không phải là ai khác mà chính là Chúa tể Hắc ám Sauron.

Good Morning Mr

Gandalf trước cửa nhà Bilbo

   Trong truyện 'Gã Hobbit', Gandalf xuất hiện trước cậu hobbit Bilbo Baggins của vùng Shire và sắp xếp để Bilbo đi cùng hội mười ba Người Lùn do Thorin Khiên Sồi dẫn đầu, trong sứ mệnh chiếm lại kho báu của Đỉnh núi Cô độc, mà nhiều năm trước rồng Smaug đã đoạt mất. Trong chuyến đi này, Gandalf đã tìm được cây kiếm Glamdring và sử dụng nó từ đó trở về sau. Bilbo tìm được thanh đoản kiếm Sting và chiếc Nhẫn, nhưng không biết rằng đó là Nhẫn Quyền Lực của Sauron.

  Khi đoàn của Thorin đặt chân tới rừng Mirkwood, Gandalf bỏ đi để tham gia vào cuộc tấn công Dol Guldur của Hội đồng Trắng. Cuộc tấn công này đã đuổi tên Necromancer ra khỏi sào huyệt, tuy nhiên, hắn đã quay trở lại thành trì cũ của hắn ở Barad-dûr và lộ nguyên hình là Sauron vào năm 2951.

   Gandalf trở lại đoàn của Thorin vào đúng thời điểm Trận chiến của Năm Đạo quân nổ ra. Ông đã chiến đấu trong trận này, và giúp tiêu diệt mối đe dọa của bọn goblin (yêu tinh). Sau trận đánh, ông đi cùng Bilbo trở lại vùng Shire.

 Trở lại vùng Shire

    Từ năm 2941 đến năm 3001 Kỉ thứ Ba, Gandalf du hành khắp Middle-earth để tìm kiếm thông tin về sự quay trở lại của Sauron, và về chiếc nhẫn bí ẩn của Bilbo. Ông cũng dành rất nhiều thời gian để ở trong vùng Shire, củng cố tình bạn với Bilbo và cậu cháu của Bilbo, Frodo.

   Năm 2956, ông gặp và kết bạn với Aragorn, hậu duệ của vương quốc Arnor.

   Năm 3001 Kỉ thứ Ba, Gandalf tới vùng Shire để tham dự lễ sinh nhật thứ ‘một trăm mười một’ (111) của Bilbo. Ông thấy không an tâm về dáng vẻ trẻ trung bất thường của Bilbo, và bắt đầu nghi ngờ chiếc Nhẫn. Sau buổi tiệc, Bilbo nói tạm biệt Gandalf để đi khỏi Shire. Vào phút cuối cùng, Bilbo đổi ý và không muốn để chiếc Nhẫn lại cho Frodo. Gandalf cố thuyết phục Bilbo, nhưng Bilbo tỏ thái độ thù địch và kết tội Gandalf muốn chiếm chiếc Nhẫn cho riêng mình. Bilbo bắt đầu gọi chiếc Nhẫn là ‘báu vật’. Gandalf kinh ngạc và dùng pháp lực dọa Bilbo để ông tỉnh lại, thoát ra khỏi ảnh hưởng của chiếc Nhẫn. Bilbo xin lỗi, và để chiếc Nhẫn lại, rồi lên đường.

    Gandalf thấy rất bất an về chiếc nhẫn bí ẩn. Ông đưa nó cho Frodo và dặn cậu giữ nó cẩn thận. Mười bảy năm tiếp theo, ông đi tìm câu trả lời cho vấn đề này. Năm 3017, sau khi Aragorn giúp ông bắt giữ Gollum, ông tra hỏi Gollum về chiếc Nhẫn, và so sánh với các dữ kiện lưu trữ ở Minas Tirith, ông kết luận rằng đó có thể là chiếc Nhẫn Chúa của Sauron. Nhưng không chỉ một mình ông biết thông tin này. Trước đấy, Sauron đã bắt được Gollum ở Mordor và tra khảo hắn, hắn đã khai ra tên ‘Baggins’ và ‘Shire’. Nghe được tin này, Gandalf vội vã quay trở lại vùng Shire để cảnh báo Frodo. Ông nhờ các Elf Rừng của Mirkwood canh giữ Gollum, nhưng hắn đã trốn thoát được.

 Hội Bằng hữu của chiếc Nhẫn

   Khi gặp Frodo, Gandalf một lần nữa khẳng định được chiếc Nhẫn mà cậu đang giữ có khắc Ngôn ngữ Đen, và chính là chiếc Nhẫn Chúa. Ông khuyên cậu nên đi khỏi càng sớm càng tốt, mang theo chiếc Nhẫn, và hứa sẽ quay lại để đi cùng cậu tới Rivendell. Gandalf cũng kể cho Frodo nghe về Gollum.

 Gandalf gặp Radagast, Pháp sư Nâu, ở gần Shire, vị này nhắn Gandalf hãy đến gặp Saruman, vì bọn Nazgûl đã vượt sông Anduin. Gandalf viết thư cho Frodo và nhờ một chủ quán trọ ở Bree gửi hộ, rồi ông đi tới Isengard để gặp Saruman. Tuy nhiên, khi đến nơi, ông mới vỡ lẽ ra rằng Saruman đã trở mặt. Lão cố thuyết phục Gandalf cùng lão đi theo phe Sauron. Thấy không đạt kết quả, lão nhốt Gandalf lại trên đỉnh tháp Orthanc.

   Sau một thời gian bị giam cầm, Gandalf được Đại bàng Gwaihir giải cứu. Đại bàng đưa Gandalf tới vương quốc Rohan, ông đến gặp vua Théoden và xin một con ngựa cưỡi. Trong đàn ngựa của nhà vua, Gandalf đã chọn ra chú ngựa quý Shadowfax và cùng chú phi về vùng Shire. Nhưng Frodo đã lên đường tới Rivendell từ trước đó, nên Gandalf cũng đi về Rivendell. Dọc đường, ông gặp phải các Nazgûl, thuộc hạ của Sauron, ở đỉnh Weathertop. Ông chiến đấu dữ dội với chúng một đêm và thoát được tới Rivendell. Vài ngày sau, Frodo cũng tới đó trong tình trạng bị thương nặng nhưng vẫn giữ được chiếc Nhẫn.

    Sau khi vết thương của Frodo đã lành, Gandalf và vị chúa elf Elrond triệu tập một hội đồng bí mật để quyết định cách xử trí với chiếc Nhẫn. Frodo tự nguyện gánh trọng trách mang Nhẫn đến Núi Doom để tiêu hủy nó. Gandalf nhận đi cùng và giúp đỡ Frodo trong sứ mệnh này, cùng với Aragorn, Boromir, hoàng tử elf Legolas, Người Lùn Gimli và các cậu hobbit Samwise Gamgee, Peregrin Took, và Meriadoc Brandybuck, lập nên Hội Đồng hành của chiếc Nhẫn, gồm chín thành viên, do Gandalf dẫn đầu.

    Ông quyết định rằng cả hội sẽ vượt qua Dãy núi Mù sương bằng lối Caradhras, để tránh Isengard. Nhưng bão tuyết đã cản chân họ. Gandalf đành phải dẫn cả hội đi vào Moria nằm sâu dưới lòng đất, nơi từng là một thành phố mỏ trù phú của Người Lùn. Nhưng Moria lúc này đã bị bỏ hoang và bọn Orc ở khắp nơi. Trong Moria, tại cây cầu Khazad-dûm, ông phải đối mặt với một Balrog vẫn thường được gọi là ‘Tai ương của Durin’. Hắn là một Maiar đã bị Melkor tha hóa từ những ngày sơ khai của vũ trụ.

   Gandalf chiến đấu với hắn, ông dùng gậy phép của mình đập gãy cây cầu khiến cho tên Balrog ngã xuống vực sâu. Nhưng chiếc roi của hắn đã quấn vào chân Gandalf và kéo ông rớt xuống vực cùng hắn.
GandalfVSBalrog

Gandalf đối đầu với Balrog

    Hội Đồng hành tưởng ông đã chết nên tiếp tục lên đường. Nhưng thực ra, lúc ngã xuống đến đáy vực, ông vẫn tiếp tục chiến đấu với tên Balrog thêm mười ngày nữa. Cuối cùng, ông hạ được hắn trên đỉnh Celebdil, và ông cũng chìm vào trong bóng tối, linh hồn ông rời khỏi thể xác phàm tục.

 Gandalf Trắng

    Nhưng linh hồn của Gandalf vẫn chưa vĩnh viễn rời bỏ Middle-earth. Là kẻ duy nhất trong năm Pháp sư giữ trung thành với sứ mệnh được giao, Olórin/Gandalf được thượng đế Eru gửi trở lại Middle-earth, lần này dưới hình hài của Gandalf Trắng, với tư cách là sứ giả tối cao của các Valar, và được bộc lộ nhiều quyền năng thực sự của Maiar hơn trước.

    Từ đỉnh núi nơi ông đang nằm trần trụi, Đại bàng Gwaihir đưa ông tới Lothlórien. Tại đây, ông được Công nương Galadriel đưa cho một cây gậy phép mới. Dáng vẻ bề ngoài của Gandalf Trắng được mô tả như sau:

    ‘Tóc ông bạc trắng như tuyết dưới ánh mặt trời; và trắng phau là tà áo chùng của ông lấp lánh. Đôi mắt sáng của ông dưới cặp lông mày rậm nhìn soi thấu như những tia nắng rọi; và đôi tay ông đầy sức mạnh.’

- Trích ‘Chúa tể của những chiếc Nhẫn’, chương ‘Kị sĩ Trắng’

  Biết rằng Frodo và Sam quyết định tiến vào Mordor đơn độc không có Hội Đồng hành, Gandalf bèn đi tới rừng Fangorn để gặp Aragorn, Legolas và Gimli. Ông gọi Shadowfax tới, chú chiến mã đã trở nên thân thiết với ông và sẽ đồng hành cùng ông trong chặng đường còn lại ở Middle-earth.

    Họ cùng phi tới Edoras của Rohan. Gandalf gạt bỏ tên gián điệp của Saruman, Gríma Lưỡi Rắn, ra khỏi vị trí cố vấn của vua Théoden, và khuyên nhà vua ra trận chống lại sự xâm lược của Saruman.

    Vua Théoden và các vị khách phi ngựa về phía Tây, nhưng họ mau chóng gặp phải quân địch đông gấp bội, nên họ rút vào Helm’s Deep cố thủ. Gandalf rời khỏi họ để đi tìm tướng Erkenbrand của vùng Westfold tới trợ chiến, ông cũng gặp các thần cây Ent và đề nghị họ giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại Saruman. Ông và các bằng hữu cuối cùng đã giải vây được cho Helm’s Deep.

    Sau trận đánh, Gandalf cùng vua Théoden, Aragorn và một nhóm người đi tới Orthanc, tòa tháp của Saruman. Lúc này, toàn bộ Isengard đã bị các thần cây Ent phá trụi, Saruman bị vây trong tháp cùng với Gríma Lưỡi Rắn. Gandalf yêu cầu Saruman đầu hàng và lấy công chuộc tội, nhưng lão ta từ chối. Gandalf liền dùng pháp thuật bẻ gẫy gậy phép của Saruman, rồi trục xuất lão ta ra khỏi Hội Pháp sư và Hội đồng Trắng.

 Trận Minas Tirith

   Do sự cố cậu hobbit Pippin nhìn vào Quả cầu đá palantír và gặp phải Chúa tể Sauron, Gandalf đưa cậu ta đi cùng ông tới thành phố Minas Tirith của Gondor, thành trì cuối cùng ở phía tây chống lại Sauron. Nhưng quan Nhiếp chính của Gondor, Denethor II, cha của Boromir đã tử trận, đối xử với ông bằng thái độ trịch thượng và bất nhã. Khi Faramir, con trai út của Denethor, em trai của Boromir, trở về từ Osgiliath và bị các Nazgûl vây đánh, Gandalf cưỡi Shadowfax ra ngoài thành và đuổi các Nazgûl đi bằng quyền năng hùng mạnh của ông. Faramir kể với ông rằng Frodo và Sam vẫn còn sống và đang tiến về Mordor.

    Chẳng mấy chốc, thành phố Minas Tirith bị một đạo quân lớn từ Mordor vây hãm, do tên Vua Phù thủy chỉ huy. Faramir bị thương nặng do một mũi tên tẩm độc. Trông thấy thành phố bốc cháy và đứa con trai còn lại duy nhất đang hấp hối, Denethor trở nên tuyệt vọng và bỏ mặc người dân. Gandalf đứng ra lãnh đạo binh lính giữ thành.

    Khi thanh cọc khổng lồ Grond phá vỡ cổng thành tưởng như vững chắc của Minas Tirith, Gandalf cưỡi Shadowfax đứng chắn ở cổng thành, chặn đường tên Vua Phù thủy. Bình minh đến, mang theo tiếng gà gáy báo ngày lên, cùng tiếng tù và của quân Rohan tới chi viện Gondor. Tên Vua Phù thủy liền bỏ đi.

   Quan Nhiếp chính Denethor định tự vẫn và thiêu cháy cả bản thân lẫn con trai trong tòa tháp cao. Gandalf tới kịp lúc và cứu được Faramir, nhưng Denethor đã bén lửa và qua đời. Gandalf trao quyền tạm quản thành phố cho Quận công Imrahil của vùng Dol Amroth.

    Trong lúc Gandalf vắng mặt trên chiến trường, quân Rohan, quân Gondor và sau đó là đội quân do Aragorn dẫn đầu đã đánh bại được bọn lâu la Mordor trong Trận chiến trên Cánh đồng Pelennor trứ danh. Sự nhìn xa trông rộng và những lời khuyên sáng suốt của Gandalf  đã góp phần làm thất bại những nước cờ đầu tiên của Sauron.

 Trận chiến cuối cùng

    Nhưng trận công thành Minas Tirith chỉ là một phần trong kế hoạch thôn tính Middle-earth của Sauron. Hắn có những đạo quân khác tiến đánh Erebor và Vương quốc Rừng cây của vua Thranduil ở phía bắc, cũng như tiến đánh Lothlórien và các vùng đất khác dọc sông Anduin. Chiến thắng về quân sự trước Sauron là điều không tưởng với những Giống người Tự do ở Middle-earth. Trong khi đó, sứ mệnh phá hủy chiếc Nhẫn của Frodo lại đang gặp khó khăn, vì cậu không thể tìm ra cách đi đến Núi Doom.

   Gandalf, lúc này đã được bầu làm lãnh đạo cho những trận chiến cuối cùng, khuyên các vị tướng lĩnh hãy dốc quân đánh vào Cánh cổng Đen Morannon, để đánh lạc hướng Sauron, nhằm tạo cho Frodo một cơ hội. Khi họ tới Cánh cổng Đen, tên sứ giả của Sauron ra điều đình với họ và giơ cho họ xem bộ giáp mithril của Frodo, khiến họ nghĩ rằng Frodo đã bị bắt và bị tra tấn. Nhưng Gandalf không nao núng, ông thu hồi những kỉ vật của Frodo, và từ chối lời chiêu dụ của Sauron. Quân Mordor tiến ra khỏi Cánh cổng Đen, với lực lượng đông áp đảo.

      Tuy nhiên, nhờ thế, Frodo và Sam đã tới được đỉnh núi lửa và đứng trước Khe nứt Định mệnh đúng vào lúc Trận đánh ở Morannon bắt đầu. Nhưng chiếc Nhẫn đã chiến thắng ý chí đang suy kiệt của Frodo, cậu không chịu ném nó xuống dòng nham thạch mà lại đeo nó vào tay. Gollum xuất hiện, hắn cố giành chiếc Nhẫn từ tay Frodo và bị ngã xuống luồng lửa cùng với nó. Đúng như lời Gandalf tiên đoán, lòng trắc ẩn đã tha mạng Gollum đóng một vai trò quan trọng trong việc tiêu hủy chiếc Nhẫn Quyền Lực.

    Chiếc Nhẫn bị hủy, linh hồn Sauron trở nên suy yếu nên không thể quấy nhiễu Middle-earth được nữa. Đội quân của hắn cũng tự tan rã. Gandalf cưỡi lên Đại bàng Gwaihir lần thứ ba để tới cứu Frodo và Sam ra khỏi dòng nham thạch của Núi Doom.

   Tại lễ đăng quang của vua Elessar (Aragorn), Gandalf đã đặt chiếc vương miện của Gondor lên đầu đức vua, và tuyên bố một kỉ nguyên mới cho loài Người.

 Ra đi

    Sau lễ đăng quang và lễ cưới của Aragorn, Gandalf đi cùng những người còn lại trong Hội Đồng hành để trở về quê họ. Đó là chuyến đi dài ngày cuối cùng của Gandalf ở Middle-earth. Khi họ về đến ranh giới của vùng Shire, ông chia tay các hobbit và tới gặp Tom Bombadil để cùng đàm đạo.
Greyhavens

Gandalf lên thuyền ở Bến cảng Xám

    Vào ngày 29 tháng Chín năm 3021, sau khi ở Middle-earth được hơn 2000 năm, ông lên thuyền đi về thiên giới Aman cùng với Frodo, Bilbo, Galadriel, Celeborn và Elrond. Bóng hình của họ không bao giờ còn xuất hiện ở Middle-earth nữa. Gandalf đã hoàn thành sứ mệnh của mình và trở lại thành Olórin.

QUYỀN NĂNG VÀ VŨ KHÍ


  Gandalf thường mang theo cây gậy của mình, đôi khi chỉ như một cây gậy chống, đôi khi để tăng thêm pháp lực, mặc dù truyện không tả rõ tác dụng của cây gậy này trong việc làm phép. Vào năm 2941, ông tìm được thanh gươm báu Glamdring từ trong hang của bọn Troll. Từ đó về sau, ông luôn dùng thanh gươm này, đặc biệt là trong trận đánh với tên Balrog ở Moria.
Glamdring-hobbit-hg2942

Thanh kiếm Glamdring của Gandalf

    Gandalf là người phục vụ cho Ngọn lửa Bí mật, là kẻ giữ ngọn lửa của Anor, và là người mang chiếc Nhẫn Lửa Narya. Phần lớn những lần ông thi triển pháp thuật đều có liên quan tới lửa.

    Ông có một kiến thức uyên bác về các vùng đất và nhiều khả năng pháp thuật khác nhau, từ những khả năng giỡn vui như điều khiển khói tẩu, hoặc pháo hoa, cho đến những khả năng phi thường hơn như tạo ánh chớp hoặc khói lửa. Ông có thể dùng pháp thuật chặn cánh cửa của Moria lại, và làm gẫy cây cầu Khazad-dûm. Những lúc nổi giận, ông thường trở nên cao hơn và mang dáng vẻ đáng sợ hơn. Ông cũng có tài tiên đoán khá chuẩn xác.

TÊN GỌI VÀ BIỆT DANH


Olórin (tiếng Quenya)

Mithrandir (tiếng Sindarin)

Tharkûn (tiếng Người Lùn)

Gandalf Xám

Gandalf Trắng

Kị sĩ Trắng

Gandalf Áo Xám (người Rohan gọi)

Lão già Râu xám (sứ giả của Sauron gọi)

Incánus (trong một ngôn ngữ không rõ nguồn gốc)

Láthspell (nghĩa là Tin dữ, do Gríma Lưỡi Rắn gọi)

Gandalf Quạ mổ (do vua Théoden gọi khi chưa tỉnh ngộ)

CHUYỂN THỂ LÊN PHIM[]

 
Ian-mckellen-gandalf-the-grey-the-hobbit-pic2

Ian McKellen trong vai Gandalf

Trong chuỗi phim điện ảnh ‘Gã Hobbit’ (2012~2014) và ‘Chúa tể những chiếc Nhẫn’ (2001~2003) do đạo diễn Peter Jackson dàn dựng,  vai Gandalf do diễn viên Ian McKellen đảm nhiệm. Ông là một tài tử gạo cội của màn bạc thế giới, và vai diễn này của ông đã nhận được sự đánh giá cao từ cả giới phê bình lẫn khán giả. Tập phim Hội Bằng hữu của chiếc Nhẫn đã mang lại cho ông một đề cử Oscar, đây là đề cử duy nhất về mặt diễn xuất cho cả bộ ba tập phim ‘Chúa tể những chiếc Nhẫn’, và rất hiếm hoi trong thể loại phim cổ tích thần thoại, vốn không được các thành viên trong Hội đồng chấm giải Oscar mặn mà cho lắm.

    Trong bộ phim hoạt hình ‘Gã Hobbit’ (1977) và ‘Sự trở lại của Nhà vua’ (1980) do studio Rankin/Bass dàn dựng, vai Gandalf do diễn viên John Huston lồng tiếng.

    Trong bộ phim hoạt hình ‘Chúa tể những chiếc Nhẫn’ (1978) do đạo diễn Ralph Bakshi dàn dựng, vai Gandalf do diễn viên William Squire lồng tiếng.
Lotrl

Gandalf trong phim hoạt hình của Ralph Bakshi

    Nhân vật Gandalf cũng xuất hiện trong nhiều trò chơi điện tử và các bản truyện audio. Gandalf đã trở thành vị Pháp sư được yêu thích bậc nhất trên khắp các châu lục.


Thông tin bài viết[]

  • Nguồn : Lord of the Rings Wiki
  • Biên dịch : Proud Foot
  • Ngày dịch : 12-3-2014
  • Lưu ý : Xin vui lòng không edit trang này. Nếu bạn đăng lại bài viết, đề nghị hãy ghi tên người dịch hoặc dẫn link.
Advertisement